Lịch sử Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam

1954-1960

Ngay sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, Mỹ âm mưu chia cắt Việt Nam nhằm mục tiêu biến miền Nam Việt Nam trở thành tiền đồn chống cộng sản tại Đông Nam Á. Mỹ đã ủng hộ chính quyền Ngô Đình Diệm trong việc củng cố quyền lực lâu dài nhằm thực hiện mục tiêu đề ra. Tháng 9 năm 1954, Mỹ thành lập Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO) "biến miền Nam Việt Nam thành một căn cứ quân sự quan trọng nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ".[1]

Việc thực thi Hiệp định Geneve đã bị Mỹ và Việt Nam Cộng hòa ngăn cản, không thi hành các điều khoản, sử dụng mọi thủ đoạn, biện pháp chống lại việc bầu cử thống nhất Việt Nam. Chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện các chiến dịch Tố Cộng diệt Cộng, đàn áp những người được coi là cộng sản, thân cộng sản. Trong khi đó cuối năm 1956, Nikita Khrushchev, lãnh đạo tối cao Liên Xô, tuyên bố “chung sống hòa bình” với Mỹ, do đó các nước lớn trong phe Xã hội chủ nghĩa không muốn Đảng Lao động Việt Nam phát động chiến đấu vũ trang ở miền Nam Việt Nam.

Tháng 1 năm 1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam triệu tập Hội nghị lần 15 (mở rộng), Hội nghị hoạch định hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng phải đồng thời tiến hành ở hai miền Nam, Bắc, nhằm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước. Đảng Lao động Việt Nam đề ra giải pháp đưa cách mạng miền Nam có lợi nhất là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, tiến theo con đường lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp đấu tranh chính trị và vũ trang để "đánh đổ tập đoàn thống trị Ngô Đình Diệm, tay sai của Mỹ, thành lập một chính quyền liên hợp dân tộc dân chủ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để hoà bình thống nhất nước nhà".[2]

Sau khi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 15/1959 được ban hành, phong trào “Đồng khởi” trên quy mô lớn tại các tỉnh Nam Bộ và Khu V nhất tề đứng lên. Tiêu biểu như các cuộc khởi nghĩa ở Bác Ái (2/1959), Trà Bồng (8/1959), Tua Hai (1/1960), đặc biệt là phong trào nổi dậy ở tỉnh Bến Tre. Phong trào "Đồng khởi" đã đã tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng cách mạng phát triển nhanh chóng, hàng nghìn chi bộ được thành lập, số lượng đảng viên được tăng lên thành lập nhiều đội vũ trang. Ngày 20 tháng 12 năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập, góp phần quy tụ, các tầng lớp nhân dân đấu tranh giành độc lập thống nhất.

1960-1969

Thất bại trong việc bình định miền Nam Việt Nam, chính quyền Đệ nhất Việt Nam Cộng hòa lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng. Mâu thuẫn trong giới lãnh đạo cầm quyền với nhau và mâu thuẫn với chính giới Mỹ đã làm trầm trọng khủng hoảng tại Đệ nhất Việt Nam Cộng hòa.[3][4][5] Mỹ đề ra Kế hoạch Staley–Taylor (Chiến tranh đặc biệt) nhắm mục tiêu tăng cường sức mạnh cho Việt Nam Cộng hòa, dập tắt các phong trao kháng chiến "bình định" và lập ấp chiến lược, cô lập và tiêu diệt lực lượng cộng sản còn sót lại ở miền Nam Việt Nam.

Kế hoạch Staley-Taylor cuối cùng thất bại vào năm 1963, sau các trận đụng độ với Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, các ấp chiến lược bị phá không thực hiện đúng theo kế hoạch, đồng thời năm 1963 cuộc đảo chính đã lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm do Quân lực Việt Nam Cộng hòa thực hiện đã gây rung động cho Việt Nam và thế giới. Việc lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm do phe quân sự là ngoài dự tính của Mật trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, vì không thể còn tuyên truyền việc Ngô Đình Diệm không được lòng dân. Mặt khác, những lãnh đạo quân sự kế nhiệm thường được thành lập một thời gian sau đó lại tiếp tục bị lật đổ, tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng ở miền Nam phát triển. Báo Nhân Dân, cho rằng "Bằng cách lật đổ Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu, đế quốc Mỹ đã tự mình phá hủy các cơ sở chính trị mà chúng đã xây dựng trong nhiều năm".

Cuối năm 1963, Mỹ đề ra chiến lược "Chiến tranh cục bộ" bắt đầu giai đoạn leo thang chiến tranh dần dần và can thiệp trực tiếp vào cuộc chiến. Sau vụ ám sát cả Ngô Đình Diệm và John Kennedy vào gần cuối năm 1963 và sự kiện Vịnh Bắc Bộ năm 1964 và trong bối cảnh chính trị Việt Nam Cộng hòa tiếp tục bất ổn, chính quyền Lyndon Johnson đưa ra cam kết chính sách trực tiếp bảo vệ chế độ Việt Nam Cộng hòa. Lực lượng quân sự Mỹ và các nước SEATO chống cộng tăng cường hỗ trợ, đưa lực lượng tác chiến quy mô lớn vào miền Nam Việt Nam; vào thời kỳ đỉnh cao vào năm 1969, hơn 400,000 lính Mỹ đã được triển khai. Với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Đảng Lao động Việt Nam đã chỉ đạo đánh vào bộ chỉ huy chiến tranh của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chấm dứt ném bom không điều kiện, chấp nhận đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đánh dấu sự thất bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ”.

Trong giai đoạn này Trung ương Cục miền Nam cũng đã vận động chính trị trong nhân dân để thành lập chính quyền cách mạng các cấp. Đến giữa năm 1969, đại bộ phận số xã, tỉnh và nhiều đô thị đều đã có chính quyền cách mạng, nhiều nơi các Ủy ban Nhân dân Cách mạng bước đầu thực hiện nhiệm vụ củng cố và phát huy vai trò chính quyền, làm tốt công tác lãnh đạo mọi mặt. Yêu cầu việc thành lập một chính quyền cách mạng ở miền Nam Việt Nam như một chính phủ được Trung ương cục đặt ra nhằm đấu tranh trên mọi mặt trận từ chính trị, ngoại giao đến quân sự. Đặt biệt tại Hội nghị Paris đòi hỏi cần có một chính phủ đại diện cho nhân dân miền Nam "nhằm nâng cao hơn nữa vị trí, địa vị pháp lý của chính quyền cách mạng tại Hội nghị và trên trường quốc tế".[6]